5 quan niệm sai lầm khi học tiếng anh bạn nên biết
1. Tiếng Anh của tôi sẽ giỏi nếu tôi học ở một trung tâm ngoại ngữ có giáo trình tốt, cơ sở vật chất tốt
Đây là sai lầm đầu tiên mà các bậc phụ huynh và người học tiếng Anh hay mắc phải. Không thể phủ nhận vai trò của các trung tâm ngoại ngữ vì ở đó có nhiều phương tiện nghe nhìn giúp ích rất nhiều cho việc học ngoại ngữ. Giáo viên bản xứ và giáo trình theo tiêu chuẩn quốc tế tạo môi trường rất tốt để học viên tiếp xúc với tiếng Anh.
Tuy nhiên, những ích lợi này sẽ vô tình tạo cho học viên tính ỷ lại. Một trung tâm ngoại ngữ tốt nhất cũng không thể cho bạn vốn tiếng Anh mong muốn nếu bạn giao toàn bộ trách nhiệm đào tạo cho họ. Nếu người học không chủ động trau dồi khả năng ngoại ngữ của mình ở nhà thì những gì họ làm được nhiều lắm trong mỗi giờ học chỉ là biết một vài từ ngữ, học thuộc một ít công thức ngữ pháp, nói một vài câu tiếng Anh, và chơi một vài trò chơi trong lớp rồi về nhà. Không có giáo viên nào có thể bắt bạn học. Chỉ bạn có thể làm điều đó!
2. Muốn giỏi tiếng Anh, tôi phải sống ở một nước nói tiếng Anh.
Điều này đúng nhưng không phải yếu tố quyết định. Cái quyết định khi học chính là động lực bên trong của bạn. Nếu bạn không bỏ thời gian và công sức ra thì môi trường chẳng thể giúp bạn nhiều được. Người Việt sang Mỹ định cư có thể giao tiếp tiếng Anh hàng ngày. Nhưng có bao nhiêu người trong số họ có giọng chuẩn hay dùng từ chính xác như người bản xứ?
Cứ thử tưởng tượng bạn đang ở một nước nói tiếng Anh đi. Bạn muốn mua một món đồ. Bạn đi ra siêu thị, nói vài câu tiếng Anh thật lưu loát, chỉ trỏ đủ thứ và mua được món đồ mình cần. Vậy là mục đích của bạn đã được hoàn thành. Người bản xứ đã quen nghe những người có giọng như bạn rồi. Nên khi bạn nói sai, họ sẽ lịch sự không sửa hoặc chẳng rảnh để sửa cho bạn. Không có động lực từ bên trong và không có phản hồi từ bên ngoài, bạn sẽ ảo tưởng là không cần thiết phải nâng cao trình độ của mình.
3.Tôi chỉ cần giao tiếp được thôi là đủ. Cần gì phải phát âm đúng hay học ngữ pháp?
Lại 1 sai lầm khi học tiếng anh nữa khi bạn cứ giữ suy nghĩ như vậy. Bởi nếu không hướng đến mục tiêu phát âm đúng hay học ngữ pháp, bạn phải chấp nhận tình huống người nghe hoặc người đọc phải đoán ý bạn. Và khi bạn để họ đoán, họ có thể sẽ không hiểu hoặc hiểu sai ý bạn. Tệ hơn nữa, nếu phải đoán nhiều họ có thể sẽ ngại giao tiếp với bạn ngay từ đầu. Một giọng phát âm đúng và dễ nghe, cùng khả năng viết câu đúng ngữ pháp, còn cho thấy chỗ đứng của bạn trong xã hội. Trong công việc, nó nhất định làm tăng thêm uy tín và sức thuyết phục của bạn.
4. Người mới học tiếng Anh mắc lỗi là chuyện bình thường.
Đây là chuyện bình thường nếu bạn nhận ra những lỗi đó và cố gắng sửa để lần sau không phạm lại lỗi tương tự nữa. Sẽ không là bình thường nếu bạn mắc lỗi mà không biết. Hoặc biết mà tảng lờ những lỗi đó (Phát âm sai là một trong những lỗi như vậy). Đây sẽ là 1 sai lầm khi học tiếng anh khiến bạn chủ quan đấy. Cách tốt nhất để khỏi phải sửa lỗi là hạn chế mắc lỗi ngay từ đầu. Đừng bao giờ làm cho bộ não của bạn thích nghi với thói quen không tốt.
5. Muốn nói, viết tiếng Anh giỏi, hãy nói và viết thoải mái mà đừng sợ gì cả.
Đúng nhưng chưa đủ, thậm chí sẽ là sai lầm khi học tiếng anh như vậy. Bạn đừng sợ nói, viết tiếng Anh, nhưng hãy sợ nói và viết sai. Nếu không nói hay không viết, bạn sẽ không thấy được lỗi sai của mình. Sau khi thấy được lỗi sai và được hướng, hãy sửa ngay lỗi đó để lần sau không phạm nó nữa. Nếu không chắc cách phát âm của 1 từ, đừng đọc đại mà hãy tra từ điển hoặc nghe cách phát âm đúng trước. Nếu không chắc một từ được sử dụng như thế nào, đừng dùng đại mà hãy tra từ điển.
Mặc dù những sai lầm này rất phổ biến, nhưng tin tốt là bạn có thể sửa chúng. Khi bạn ngừng mắc những lỗi này, bạn đã thay đổi cách học tiếng Anh. Bạn học nhanh hơn. Khả năng nói của bạn được cải thiện. Bạn thích học tiếng Anh.